Bước 1: Truy nhập vào trang web: https://customs.gov.vn bấm vào mục “Tra cứu mức độ tuân thủ”.
Bước 2: Nhập đầy đủ thông tin như Mã số thuế doanh nghiệp, Mật khẩu VNACCS, mã bảo mật captcha và bấm nút tra cứu hệ thống sẽ hiện thị thông tin liên quan đến kết quả đánh giá tuân thủ của doanh nghiệp và lý do kèm theo.
Hệ thống thông tin nghiệp vụ của cơ quan Hải quan sẽ tự động đối chiếu các thông tin của doanh nghiệp với các tiêu chí đánh giá tuân thủ Doanh nghiệp theo 5 mức độ được quy định cụ thể tại thông tư 81/2019/TT-BTC ngày 15/11/2019.
Như vậy, khi doanh nghiệp tra cứu mức độ tuân thủ hệ thống sẽ trả kết quả theo nguyên tắc sau:
Mức độ tuân thủ: (từ 2-5) là mức độ tuân thủ của doanh nghiệp tại thời điểm tra cứu.
Lý do tuân thủ: Hiển thị mức độ tuân thủ cao hơn và các tiêu chí mà doanh nghiệp chưa đáp ứng đối với mức độ 3, mức độ 4; hiển thị mức độ tuân thủ và các tiêu chí mà doanh nghiệp đáp ứng đối với mức độ 5. Riêng đối với mức độ 2 hệ thống không hiển thị lý do tuân thủ cũng như các tiêu chí. Cụ thể như sau:
Mức độ tuân thủ 1: là các doanh nghiệp được công nhận là doanh nghiệp ưu tiên theo thông tư số 72/2015/TT-BTC ngày 12/5/2015.
Mức độ tuân thủ 2: Hệ thống sẽ không đưa ra “Lý do tuân thủ”.
Mức độ tuân thủ 3: Hệ thống sẽ hiển thị “Lý do tuân thủ” là các tiêu chí của “Mức độ tuân thủ 2” mà doanh nghiệp không đáp ứng được.
Có 2 trường hợp:
- Trường hợp 1: Trong trường hợp này, doanh nghiệp không được phân loại tuân thủ Mức 2 là do không đáp ứng tiêu chí “doanh nghiệp có hoạt động xuất nhập khẩu trên 365 ngày và có trên 100 tờ khai trong 365 ngày kể từ ngày tra cứu trở về trước”.
- Trường hợp 2: Trong trường hợp này, doanh nghiệp không được phân loại tuân thủ Mức 2 là do không đáp ứng tiêu chí “doanh nghiệp không bị xử phạt về các hành vi theo quy định tại Thông tư 81 trong thời gian 365 ngày kể từ ngày tra cứu trở về trước”.
Mức độ tuân thủ 4: Hệ thống sẽ hiển thị “Lý do tuân thủ” là các tiêu chí của “Mức độ tuân thủ 2” và “Mức độ tuân thủ 3” mà doanh nghiệp không đáp ứng được.
Trong trường hợp này, doanh nghiệp không được phân loại tuân thủ Mức 2 và Mức 3 là do không đáp ứng tiêu chí của từng Mức cụ thể như sau:
- Đối với Mức 2 doanh nghiệp không đáp ứng tiêu chí “doanh nghiệp có hoạt động xuất nhập khẩu trên 365 ngày và có trên 100 tờ khai trong 365 ngày kể từ ngày tra cứu trở về trước”.
- Đối với Mức 3 doanh nghiệp không đáp ứng tiêu chí “doanh nghiệp có hoạt động xuất nhập khẩu trên 365 ngày và có trên 50 tờ khai trong 365 ngày kể từ ngày tra cứu trở về trước”.
Mức độ tuân thủ 5: Hệ thống sẽ hiện thị “Lý do tuân thủ” là các tiêu chí đánh giá mà doanh nghiệp đáp ứng theo quy định tại phụ lục V ban hành theo thông tư 81/2019/TT-BTC.
Trong trường hợp này, doanh nghiệp được phân loại tuân thủ Mức 5 là do đáp ứng tiêu chí “doanh nghiệp có tổng số lần xử phạt về các hành vi theo quy định tại Thông tư 81 vượt quá 3% trên tổng số tờ khai trong thời gian 365 ngày kể từ ngày tra cứu trở về trước.
GIẢI THÍCH CÁC THUẬT NGỮ CHUYÊN NGÀNH QUẢN LÝ RỦI RO TRONG HOẠT ĐỘNG NGHIỆP VỤ HẢI QUAN.
1. Áp dụng quản lý rủi ro là việc ứng dụng các nguyên tắc, quy trình, biện pháp, kỹ thuật nghiệp vụ quản lý rủi ro và các sản phẩm thông tin quản lý rủi ro để quyết định và thực hiện quyết định kiểm tra, giám sát hải quan, kiểm tra sau thông quan, thanh tra và các hoạt động nghiệp vụ khác.
2. Thông tin quản lý rủi ro là thông tin hải quan được thu thập, xử lý phục vụ áp dụng quản lý rủi ro trong hoạt động nghiệp vụ hải quan.
3. Hệ thống thông tin quản lý rủi ro là các hệ thống thông tin, dữ liệu do cơ quan hải quan quản lý để thu thập, xử lý và cung cấp các sản phẩm thông tin quản lý rủi ro cho các hoạt động nghiệp vụ hải quan.
4. Mức độ tuân thủ là kết quả đánh giá phân loại của cơ quan hải quan về chấp hành pháp luật của người khai hải quan trong quản lý hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh.
5. Tiêu chí đánh giá tuân thủ là các tiêu chuẩn để đánh giá phân loại mức độ tuân thủ trong hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh.
6. Chỉ số tiêu chí đánh giá tuân thủ là các chỉ tiêu thông tin mang giá trị cụ thể của tiêu chí đánh giá tuân thủ.
7. Đánh giá tuân thủ là việc thu thập, phân tích, xác minh, đối chiếu thông tin về quá trình hoạt động và chấp hành pháp luật với các chỉ số tiêu chí đánh giá tuân thủ để phân loại mức độ tuân thủ pháp luật của người khai hải quan.
8. Quản lý tuân thủ là việc cơ quan hải quan thực hiện đánh giá tuân thủ pháp luật, phân loại mức độ rủi ro người khai hải quan, từ đó áp dụng các biện pháp quản lý phù hợp với từng mức độ, để bảo đảm việc thực thi các quy định của pháp luật hải quan được đầy đủ, chính xác.
9. Phân tích rủi ro là việc dự đoán tần suất và hậu quả rủi ro.
10. Mức độ rủi ro là tính nghiêm trọng của rủi ro được xác định dựa trên sự kết hợp giữa tần suất và hậu quả của rủi ro.
11. Tiêu chí phân loại mức độ rủi ro là các tiêu chuẩn để đánh giá phân loại mức độ rủi ro trong quản lý hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh.
12. Chỉ số tiêu chí phân loại mức độ rủi ro là các chỉ tiêu thông tin mang giá trị cụ thể của tiêu chí phân loại mức độ rủi ro.
13. Đánh giá rủi ro là việc phân loại, xem xét, đối chiếu mức độ của rủi ro với các chỉ số tiêu chí phân loại mức độ rủi ro và việc xử lý các rủi ro trước đó để sắp xếp thứ tự ưu tiên.
14. Dấu hiệu rủi ro là yếu tố mang giá trị thông tin phản ánh nguy cơ tiềm ẩn của hành vi vi phạm pháp luật về hải quan.
15. Dấu hiệu vi phạm là yếu tố mang giá trị thông tin, qua đó có đủ cơ sở đánh giá về sự diễn ra của vi phạm pháp luật về hải quan.
16. Danh mục hàng hóa rủi ro là danh sách các mặt hàng rủi ro về buôn lậu, trốn thuế, gian lận thương mại và các vi phạm pháp luật khác trong lĩnh vực hải quan.
17. Xác định trọng điểm là việc sử dụng kết quả đánh giá tuân thủ, đánh giá rủi ro để quyết định áp dụng các biện pháp kiểm soát rủi ro trong kiểm tra, giám sát hải quan, kiểm tra sau thông quan, thanh tra và các biện pháp nghiệp vụ khác đối với hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh.
18. Doanh nghiệp trọng điểm là doanh nghiệp (được đánh giá) rủi ro cao trong hoạt động nghiệp vụ hải quan theo từng lĩnh vực hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh trong từng thời kỳ.
19. Người xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh trọng điểm là người xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh (được đánh giá) rủi ro cao trong từng lĩnh vực hoạt động xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh trong từng thời kỳ.
20. Hồ sơ rủi ro là tập hợp các thông tin, dữ liệu về đối tượng rủi ro hoặc tình huống xuất hiện rủi ro, được lưu trữ dưới dạng văn bản hoặc dữ liệu điện tử, để phục vụ theo dõi, quản lý và xác định trọng điểm kiểm tra, giám sát hải quan, kiểm tra sau thông quan, thanh tra và các biện pháp nghiệp vụ khác đối với hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh.
21. Kiểm soát rủi ro là việc cơ quan hải quan áp dụng các biện pháp kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan, kiểm tra sau thông quan, thanh tra, điều tra và các biện pháp nghiệp vụ khác để phòng ngừa, ngăn chặn, làm giảm thiểu tần suất, hậu quả hoặc phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về hải quan.
22. Kế hoạch kiểm soát rủi ro là chương trình tổng thể về kiểm soát rủi ro, do Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan ban hành, để tổ chức, phân công nhiệm vụ, điều phối các nguồn lực, biện pháp kiểm soát rủi ro trong quản lý hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh.
23. Đo lường tuân thủ là việc quyết định kiểm tra mẫu, tổng hợp, phân tích thông tin, dữ liệu theo các chỉ số để xác định mức độ tuân thủ trên từng lĩnh vực hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh.
Cơ quan Hải quan Phân loại mức độ rủi ro người khai hải quan thành 9 hạng theo TT 81.
Doanh nghiệp hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh; đại lý làm thủ tục hải quan; doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính quốc tế, doanh nghiệp cung ứng dịch vụ chuyển phát nhanh quốc tế; chủ phương tiện, người được chủ phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh ủy quyền; doanh nghiệp kinh doanh kho, bãi, cảng được phân loại mức độ rủi ro theo một trong những hạng sau:
1. Hạng 1: Doanh nghiệp ưu tiên là doanh nghiệp theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 12 Thông tư 81/2019/TT-BTC.
2. Hạng 2: Người khai hải quan rủi ro rất thấp.
3. Hạng 3: Người khai hải quan rủi ro thấp.
4. Hạng 4: Người khai hải quan rủi ro trung bình.
5. Hạng 5: Người khai hải quan rủi ro cao.
6. Hạng 6: Người khai hải quan rủi ro rất cao.
7. Hạng 7: Người khai hải quan có hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa dưới 365 ngày trở về trước tính từ ngày đánh giá và không vi phạm.
8. Hạng 8: Người khai hải quan có hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa dưới 365 ngày trở về trước tính từ ngày đánh giá và bị xử lý vi phạm trừ các hành vi quy định đối với Hạng 9 tại Điều này.
9. Hạng 9: Người khai hải quan có hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa dưới 365 ngày trở về trước tính từ ngày đánh giá và bị xử lý vi phạm về các hành vi quy định tại Mục I, Mục II Phụ lục VI ban hành kèm theo Thông tư 81/2019/TT-BTC.
Trainer: MR. THONG
400.000₫
15.000₫
Trainer: MR. THONG
2.000.000₫
1.200.000₫
Trainer: MR. THONG
2.500.000₫
1.500.000₫
Trainer: NHIỀU GIẢNG VIÊN
500.000₫
Trainer: NHIỀU GIẢNG VIÊN
2.800.000₫
Trainer: NHIỀU GIẢNG VIÊN
2.999.999₫